top of page

Lessons of Year (2022)

Vậy là mới đó đã một năm trôi qua, một năm đặc biệt—năm đầu tiên tôi bắt đầu hành trình lượm lặt những ngày hạnh phúc và kết quả đó một năm hạnh phúc với tôi.


Bài viết này bao gồm 3 bài học lớn nhất mà tôi học được trong 1 năm qua. Các bài học đều là những gì tôi học được, hoặc ngộ ra được, vì vậy thoải mái khi tiếp nhận nó nếu bạn muốn.


1. Stoicism—Chủ nghĩa khắc kỷ

Triết học của đời sống thường ngày là cách mọi người thường gọi để nhắc về một trường phái triết học tập trung vào cách con người đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày—Chủ nghĩa khắc kỷ. Bài học lớn nhất trong Chủ nghĩa khắc kỷ tôi học được là: “Chỉ quan tâm đến những việc bạn có thể kiểm soát, còn những thứ khác thì đừng quan tâm.” Đây chính là bài học mà tôi vẫn thường nhắc về trong các blog của mình—Sự kỳ vọng.

“Hãy làm những gì làm mình hạnh phúc và không làm hại đến ai, còn lại thì mặc kệ thiên hạ nghĩ gì mình!”—Hiếu Nguyễn

Các bài học về Chủ nghĩa khắc kỷ đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan và góp một phần rất lớn trong việc định hình bản ngã của tôi. Tôi tìm được câu trả lời cho tôi là ai, tôi cần gì, tôi sống vì mục đích gì,… Các câu hỏi vốn rất bình thường nhưng lại không hề tầm thường. Bạn có thể ngồi lại với chính mình để thử tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó, tôi tin rằng khi tìm ra được rồi thì cuộc sống của bạn sẽ rất thú vị đấy.


Tôi khá may mắn khi tìm ra Stoicism trong những năm tháng còn đi học. Trong những ngày tháng tìm việc, nếu không có Stoicism làm lá chắn vững chãi thì có lẽ tôi đã mất niềm tin vào xã hội rồi!


2. Minimalism - Chủ nghĩa tối giản

Tôi biết đến Chủ nghĩa tối giản từ khi còn bé, nhưng những gì tôi nghĩ đến khi đó là: “Một ngôi nhà chỉ có vài vật dụng, một người chi tiêu keo kiệt, luôn chọn các đồ vật giá rẻ nhất,…” Những suy nghĩ đó cứ mãi theo tôi khi lớn lên. Cho đến khoảng một năm trước, khi tôi bắt đầu đi về cội nguồn để xây dựng lại những nền móng tri thức—đó là lúc tôi tìm những quyển sách mà nội dung “xa” so với suy nghĩ của tôi. Quyển sách đầu tiên tôi tìm được là “Lối sống tối giản của người Nhật”—Fumio Sasaki.


Tác giả Sasaki đã cho tôi thấy rõ những tinh hoa, trái ngọt khi tiếp thu được lối sống của một dân tộc cần cù, siêng năng, và kỉ luật. Việc tối giản được chia làm 2 vấn đề lớn là vật chấttinh thần, ngay khi ta bắt đầu tối giản về vật chất thì tinh thần cũng sẽ được thanh lọc, gọt dũa, loại bỏ đi những “áp lực vô hình” đang đối phải. Tối giản về đồ đạc chỉ là phương tiện để hướng tới tối giản về tinh thần, và tinh thần thảnh thơi đó sẽ hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn.


3. Hạnh Phúc

Ngay sau khi bắt đầu lối sống tối giản, tôi cảm nhận được nhiều niềm hạnh phúc hơn, nhưng tôi lại tự hỏi rằng: “Liệu tôi đang có những hiểu lầm nào về hạnh phúc không?” Và vẫn như lần về Chủ nghĩa tối giản, tôi bắt tay vào tìm câu trả lời “hạnh phúc là gì?”


“Hạnh phúc là phần thưởng nằm ở đích đến, bạn cần cố gắng hết sức để đến được đó và tận hưởng trái ngọt!”, đây là những suy nghĩ trước khi tôi bắt đầu tìm hiểu về hạnh phúc, nó có vẻ rất hiển nhiên. Báo chí Việt Nam mình chỉ tập trung xây dựng hình tượng về một người thành công là người có trong tay tiền tài, nhà lầu, xe hơi,… rồi người có tiền thì chắc chắn sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc ở đích đến rất xứng đáng, nhưng tìm được hạnh phúc trên hành trình đến đó sẽ càng tuyệt vời hơn biết bao.


Hạnh phúc luôn xuất hiện ở mọi nơi, việc bạn đặt góc nhìn sẽ giúp bạn có thể nhìn thấy nó hay không. “90% Startup sẽ thất bại trong năm đầu tiên; Khởi nghiệp làm gì rồi cũng thất bại”, đây là một vài câu nói mà chắc hẳn mọi người vẫn thường nghe về khởi nghiệp. Những thứ quý báu nhất ở những startup không thành công đó chính là hành trình tạo dựng nên startup đấy. Tương tự như vậy, vấn đề không phải là bạn hối hận khi ra một quyết định nào đó để rồi thất bại, vấn đề là bạn đã làm và cảm nhận những hạnh phúc trên hành trình đó, dù đích đến có ra sao thì bạn vẫn hạnh phúc.

“We regret the things we don’t do more than the things we do.”—Mark Twain

Comments


bottom of page