top of page

Quy Ước trong Văn Bản

Trong lúc tìm kiếm Google để xem cách hoạt động của một số dấu câu, mục đích để xem mình đã dùng đúng chưa thì tôi nhận ra rằng: Google có rất ít thậm chí là đếm trên đầu ngón tay các bài viết về cách dùng các dấu câu trong ngữ cảnh Tiếng Việt. Tôi quyết định ngồi lại tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau như những người viết chuyên nghiệp, các tài liệu Tiếng Anh tương đồng. Và cũng thật bất ngờ khi tôi vốn là người rất để ý đến ngôn từ, dấu câu nhưng vẫn mắc nhiều lỗi sai.


Disclaimer

Như thường lệ, đây chỉ là những kiến thức mà tôi học được. Thoải mái khi tiếp nhận nó nếu bạn muốn.


1. Dấu câu

1.1 Các dấu chấm, phẩy, chấm than, chấm hỏi, chấm phẩy

Đây là các dấu câu được sử dụng nhiều nhất kể cả trong văn bản formal và informal. Các dấu câu này dùng để dừng/kết thúc câu. Dấu phải được đặt sát bên phải của từ đứng trước dấu câu đó rồi đến khoảng trắng.


Ví dụ sai:

Chúng ta đang “nhìn nhau” phải không ?

Tôi thích nhất là tâm lý học ,triết học , lịch sử và thiên văn học .

Ví dụ đúng:

Chúng ta đang "nhìn nhau" phải không?

Chủ đề tôi thích nhất là tâm lý học, triết học, lịch sử và thiên văn học.


1.2 Dấu hai chấm

Dấu hai chấm có nhiều cách dùng khác nhau. Dấu hai chấm được đặt ngay sát phải của từ đứng trước nó.


a. Dùng để liệt kê

Ví dụ, cuộc sống tối giản mang lại cho tôi nhiều lợi ích: đơn giản đồ đạc, đơn giản tinh thần và đơn giản về suy nghĩ.


b. Dùng để nhấn mạnh chỉ một thứ

Ví dụ, có một thứ mà tôi quan tâm nhất hiện tại: trở nên hạnh phúc.


c. Dùng để thuật lời nói hoặc trích dẫn

Ví dụ, anh Hiếu từng nói: “Một cuộc đời đáng sống là một cuộc đời có thật nhiều ngày đáng sống.”


Phần này tôi thấy có nhiều người mắc lỗi sai (kể cả tôi). Dấu chấm cuối cùng phải được đặt phía trong dấu đóng ngoặc kép, không phải phía ngoài.


Ví dụ sai, anh Hiếu từng nói: “Một cuộc đời hạnh phúc là một cuộc đời có thật nhiều ngày hạnh phúc”.


d. Dùng để liệt kê các ví dụ


Hình trên dùng dấu hai chấm để đưa ra nhiều ví dụ. Trong trường hợp chỉ có một ví dụ, tôi tìm được nhiều cách viết khác nhau:

  • Ví dụ, bạn sẽ làm gì khi có được tự do tài chính?

  • Ví dụ: Chúng ta lạc đường mất rồi!

  • Tôi thích về các chủ đề liên quan đến tâm lý ví dụ như các thiên kiến và ngụy biện.

  • Hiểu được tầm quan trọng của đầu tư (ví dụ kiến thức và tài chính) là điều biết càng sớm càng có lợi cho mỗi người.


1.3 Dấu gạch chéo

Dấu gạch chéo được dùng với nhiều mục đích khác nhau. Không có bất cứ khoảng trắng nào phía trước và sau dấu gạch chéo. Ta có các trưởng hợp sử dụng phổ biến:


a. Dùng thay từ “hoặc”

Ví dụ, Anh/chị hãy nêu cảm nhận của mình sau cơn mưa kỉ lục ở Miền Trung vừa qua.


b. Dùng trong phân số và đơn vị vật lý

Ví dụ:

3/4 số người được hỏi trả lời rằng họ không để tâm nhiều đến dấu câu.

Nếu bạn chạy xe quá 100 km/h trong thành phố thì tôi báo công an!


c. Dùng để phân chia ngày tháng

Ví dụ, 15/9/1945 Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện.


1.4 Dấu ngoặc đơn

Ngay sau dấu mở ngoặc đơn thì từ được viết mà không có khoảng trắng và tương tự với ngay trước dấu đóng ngoặc đơn.


a. Dùng để viết đầy đủ tên của cụm từ viết tắt

Ví dụ, AI (Artificial Intelligence) ngày càng trở nên mạnh mẽ và đã vượt xa con người ở một số lĩnh vực nhất định.


b. Dùng để đưa thêm thông tin chi tiết

Ví dụ, José Mauro de Vasconcelos (tác giả của quyển sách “Cây cam ngọt của tôi”) đã mất vào năm 1984.


c. Dùng để bình luận cá nhân

Ví dụ, ngày xưa thì tôi là người sợ ma. (Giờ thì sợ hơn!)


d. Dấu ngoặc đơn và các dấu chấm, chấm than, chấm hỏi

Tình huống này được chia thành 2 loại:

  • Câu trong ngoặc đơn là câu hoàn chỉnh. Lúc này các dấu câu khác phải nằm phía trước dấu mở ngoặc đơn, tương tự trường hợp số 3 (bình luận cá nhân).

  • Câu trong ngoặc đơn không là câu hoàn chỉnh. Lúc này các dấu câu khác phải nằm bên phải của dấu đóng ngoặc đơn, tương tự trường hợp số 2 (đưa thông tin chi tiết).


1.5 Dấu ngoặc vuông

Ngay sau dấu mở ngoặc vuông thì từ được viết mà không có khoảng trắng và tương tự với ngay trước dấu đóng ngoặc vuông.


Đối với ngoặc vuông thì mình chỉ biết dùng trong toán học, khi có nhiều biểu thức bao hàm nhau. Các biểu thức phía ngoài sẽ được viết bằng ngoặc vuông nếu có biểu thức phía trong viết ngoặc đơn.

Ví dụ, [(a*b) — (a/b)]


1.6 Dấu gạch nối

Dấu gạch nối (-) được sử dụng để tách các âm tiết.

Ví dụ: nhân-sinh-quan, Cam-pu-chia,…


1.7 Dấu gạch ngang

Hai bên trái phải của dấu gạch ngang (—) là khoảng trắng. Dấu gạch ngang dài hơn dấu gạch nối.


a. Dùng để giải thích ý

Ví dụ, tôi yêu vùng đất này — vùng đất tôi sinh ra và lớn lên.


b. Dùng để liệt kê, thường trong văn bản hành chính

Kính gửi:

— Ban giám hiệu trường X

— Chủ nhiệm lớp Y


c. Trong một số ngữ cảnh khác

Ví dụ:

  • Thừa Thiên — Huế, Phan Rang — Tháp Chàm.

  • Chuyến tàu Cát Linh — Hà Đông, chiến tranh Việt — Trung.


Trong trường hợp sử dụng với các giai đoạn thời gian hoặc số lượng thì sẽ không có khoảng trắng xung quanh.


Ví dụ:

Cuộc chiến tranh chống quân Mông Nguyên kéo dài từ 1258—1288.

Số lượng quân định ước tính 200.000—300.000 quân.


1.8 Dấu ba chấm

a. Vân vân

Dấu ba chấm được đặt ngay sát bên phải của dấu phẩy (cần thêm dấu phẩy này khi liệt kê vân vân).


Ví dụ, chúng ta còn nhiều việc phải làm: A, B, C,


b. Dừng, ngập ngừng trong trò chuyện

Ví dụ, anh ta đang nói và dường như nhớ ra thứ gì đó: “Chúng ta nên làm việc này trước…Để tôi suy nghĩ thêm.”


c. Khi rút ngắn một trích dẫn dài

Ví dụ, tôi thích nhất đoạn trò chuyện: “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này…Ai đã ở trên đời, thì tức là người đó đều xứng đáng được sinh ra con ạ.”


2. Tiêu đề

Tiêu đề không có quy tắc nhất định trong việc viết. Mình là một người khá thích quan sát các chi tiết nhỏ, nên việc nhìn tiêu đề này mình cũng đã làm được một thời gian tương đối. Nhìn chung thì tiêu đề được viết theo 3 cách phổ biến:

  • Viết in hoa tất cả các chữ cái. Ví dụ, “QUY ƯỚC TRONG VĂN BẢN”.

  • Viết in hoa tất cả các chữ cái đầu tiên. Ví dụ, “Quy Ước Trong Văn Bản”.

  • Viết in hoa các chữ cái đầu tiên của những từ quan trọng. Ví dụ, “Quy Ước trong Văn Bản”.


2 loại mình thường gặp nhất ở những nơi “chuyên nghiệp” là số 1 và số 3. Lưu ý các dấu chấm cuối cùng trong các ví dụ trên được đặt phía ngoài dưới đóng ngoặc kép vì phần phía trong (tiêu đề) không phải là câu hoàn chỉnh.


3. Liệt kê

3.1 Liệu kê các câu

Trong trường hợp này thì các câu sẽ kết thúc bằng dấu kết thúc câu tương ứng với câu đó.

Ví dụ, mình cần tìm hiểu thêm các chủ đề sau:

  • Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để tạo ra hạnh phúc cho con người.

  • Tìm hiểu sâu hơn về Chủ nghĩa Khắc kỷ.


3.2 Liệt kê các câu chưa hoàn chỉnh

Trường hợp này thì các câu sẽ không cần dấu kết thúc câu.

Ví dụ, mình cần tìm hiểu thêm các chủ đề sau:

  • AI

  • Database

  • Tableau


3.3 Liệt kê mang ý nghĩa hoặc

Mình gặp trường hợp này trong Tiếng Anh và dần thấy nhiều người sử dụng trong Tiếng Việt hơn.


Ví dụ, vấn đề có thể sẽ tiến triển theo 2 hướng sau:

  • Tiếp tục tìm hiểu sâu hơn để hiểu rõ, hoặc;

  • Quay lại với đề bài tìm hướng giải quyết mới


4. Bàn luận về sử dụng dấu câu trong văn bản

Tôi một phần đồng ý với quan điểm là chỉ cần sử dụng sao cho người khác hiểu là được. Tuy nhiên, trong từng tình huống thì lại khác nhau, tôi tạm chia văn bản thành 2 loại: văn bản không trang trọng và văn bản trang trọng.

  • Văn bản không trang trọng: các tin nhắn bạn bè, cuộc nói chuyện bình thường,...

  • Văn bản trang trọng: các báo cáo, thư từ,...


Ví dụ điển hình nhất của văn bản informal chính là các cuộc trò chuyện hằng ngày qua không gian mạng, lúc này chỉ cần dùng từ, dấu sao cho người đó hiểu là được. Tuy nhiên, để tạo thói quen đặt dấu câu chuẩn (chỉ cần các dấu phổ biến ở phần 1.1) thì khi tiếp xúc với các văn bản trang trọng sẽ tránh được tình trạng này. Tôi từng thấy nhiều bái báo, bài luận văn như vậy nên cũng có phần buồn.


Bên cạnh đó, tôi biết cũng có những người giống tôi: văn bản trang trọng mà không chuẩn thì không đọc nữa. (Tính hơi lạ, haha!)

 

P.S. Theo quy chuẩn thì các đoạn văn sẽ cách nhau chỉ bằng 1 phím Enter, tôi dùng 2 lần phím Enter chỉ với mục đích dễ nhìn. Nếu tôi có viết hoặc sử dụng sai mong các bạn góp ý và thông cảm.

Kommentarer


bottom of page