Cách đây hơn 200 năm, ông đã đến mảnh đất cằn cỗi này, khai khẩn đất hoang, mở đường, đào kênh, lập chợ và cùng binh lính chống lại sự xâm lược, cướp bóc của giặc Miên. Nhân dân trong vùng vô cùng coi trọng ông và đặt cho ông biệt danh “ông Cả”. Hằng năm, cứ đến đêm 11 đến rạng sáng 12/10 âm lịch, người dân từ khắp nơi kéo về viếng mộ ông — người đã có công rất lớn đối với vùng đất này. Và ông chính là ông Cả Đặng Văn Trước và mảnh đất cằn cỗi ngày ấy chính là quê hương tôi — thị xã Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh.
Đền thờ ông được đặt ngay giữa con đường mang tên ông — đường Đặng Văn Trước. Ngay tại đền thờ này trước đây chính là 1 khu chợ sầm uất và mọi người thường gọi ông là “Ông Chủ Chợ”. Hiện tại khu chợ này được biết đến với tên gọi “Chợ Cũ”, ngôi chợ mới hơn đã được xây dựng cách đó khoảng 1 km với tên gọi “Chợ Mới”.
Cách trung tâm huyện Trảng Bàng hơn 16 km có một ngôi mộ được người dân cùng nhau xây lên để tưởng nhớ ông. Hôm nay trời mưa nhưng không to lắm, tôi cùng gia đình phía ba tôi (khoảng 10 người) đã lặn lội từ thị xã vào viếng mộ ông. Ngay từ khi còn ở thị xã, tôi đã bắt gặp rất nhiều người đang chuẩn bị để vào thăm mộ ông. Càng đi đến gần, càng có nhiều xe nối đuôi nhau hơn. Đến nơi, cảnh tượng tôi thấy là hàng loạt các xe ô tô nối đuôi nhau để tìm chỗ đỗ trên con đường sỏi đá đất. Tôi khá rảnh nên có đếm thử thì có khoảng 30 chiếc xe ô tô và khoảng 50 xe máy. Đây chỉ là con số tại 1 thời điểm, buổi viếng mộ kéo dài liên tục từ đêm đến sáng, xe này ra lại có xe khác vào. Có khoảng 200-300 người tại thời điểm tôi đặt chân vào.
Mỗi gia đình đều mang theo đồ ăn để cúng bái, thấp nhang cho ông, và cầu nguyện để cuộc sống, làm ăn trở nên thành công hơn. Từ xưa đến giờ thì tôi hiếm khi cầu nguyện gì nhưng lần này cô Hai đã động viên tôi, nên tôi đã thử. Một điều làm tôi khá bất ngờ chính là bầu không khí tại đó. Rất nhiều những người quen, những người thân, và những người con xa quê đã có dịp gặp mặt, ai nấy cũng nói chuyện với nhau thân mật, vui vẻ. Sau khi cúng xong, mọi người mang đồ ăn ra và cùng nhau thưởng thức. “Cùng nhau” còn mang một nghĩa rộng hơn cả, không những cùng gia đình ăn với nhau, mà mọi người còn chia sẻ đồ ăn cho nhau (tất nhiên là không ai nhậu nhẹt).
Đến khi ra về, nhìn vào chiếc xe đang đỗ, tôi liền nghĩ rằng: “Rửa xe chết luôn!”
Commentaires